Aglaia là chi lớn nhất của họ Xoan (Meliaceae) với khoảng 120 loài, phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, chi này có khoảng 30 loài. Nhiều loài được sử dụng trong y học dân gian để chữa bệnh. Các nhóm hợp chất chính trong chi này là rocaglamide, bisamide, lignan, triterpenoid và steroid. Nhiều hợp chất thể hiện hoạt tính sinh học đa dạng. Nghiên cứu này báo cáo kết quả phân lập bốn hợp chất từ cây ngâu (Aglaia odorata) và ngâu Biên Hòa (Aglaia hoaensis). Quá trình ly trích được thực hiện bằng cách sử dụng bộ chiết Soxhlet với dung môi hữu cơ, sau đó cô quay thu hồi dung môi để điều chế cao thô. Quá trình phân lập chất được thực hiện bằng sắc ký cột trên silica gel và sắc ký lọc gel trên Sephadex LH-20. Cấu trúc hóa học được xác định dựa vào phổ 1D NMR (1H, 13C NMR, DEPT), 2D NMR (HSQC, HMBC, COSY, NOESY), IR, HRESIMS và kết hợp so sánh với tài liệu tham khảo. Hai triterpenoid là aglaiadoratol và 3 -friedelinol đã được phân lập từ toàn thân cây ngâu. Hai hợp chất khác là lignan (+)-syringaresinol và một dẫn xuất của acid béo là acid threo-9,10-O-isopropylidene-13-hydroxy-(11E)-octadecenoic đã được tìm thấy trong vỏ cây ngâu Biên Hòa. Trong bốn hợp chất phân lập được, aglaiadoratol là một hợp chất mới lần đầu tiên được tìm thấy trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên lignan (+)-syringaresinol và acid threo-9,10-O-isopropylidene-13-hydroxy-(11E)-octadecenoic được báo cáo hiện diện trong cây ngâu Biên Hòa.