Kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm dưới hướng dẫn siêu âm có nhiều ưu thế so với kỹ thuật dựa trên mốc giải phẫu. Tuy nhiên, kĩ thuật này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi. Nghiên cứu này so sánh hiệu quả của phương pháp đặt catheter tĩnh mạch cảnh trong dưới hướng dẫn siêu âm so với phương pháp mốc giải phẫu. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả, tiến cứu được thực hiện tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 trong khoảng thời gian từ 04/2021 - 05/2022. Kết quả: Có 131 bệnh nhân với 87 bệnh nhân trong nhóm siêu âm và 44 bệnh nhân trong nhóm mốc giải phẫu. Không có sự khác biệt về tỉ lệ thành công chung (94,3% so với 88,6%, p = 0,253), biến chứng (9,2% và 15,9%, p = 0,254) và thời gian từ lúc đâm kim đến khi luồn guidewire (28 giây so với 30 giây, p = 0,822) giữa 2 nhóm siêu âm và mốc giải phẫu. Đối với bệnh nhân <
3 kg, nhóm siêu âm có tỉ lệ thành công cao hơn (100% so với 42,9%, p = 0,049). Ứng dụng siêu âm làm tăng tỉ lệ thành công ở lần đâm kim đầu tiên ở nhóm siêu âm so với nhómmốc giải phẫu (81,7% so với 59%, p = 0,007, OR = 3,1 với 95% CI 1,33 - 7,26). Tỉ lệ BN có <
3 lần đâm kim là 96,3% ở nhóm siêu âm và 84,6% ở nhóm mốc giải phẫu (p = 0,022, OR = 4,78 với 95% CI 1,13 - 20,29). Tỉ lệ biến chứng tràn khí màng phổi ở nhóm siêu âm thấp hơn nhóm mốc giải phẫu (0% và 2,3%, p = 0,036, OR = 0,32 với 95% CI 0,249 - 0,412). Không có sự khác biệt về tỉ lệ thành công và biến chứng theo kinh nghiệm người thực hiện. Bác sĩ có kinh nghiệm ít đến trung bình có tỉ lệ thành công ở lần đâm kim đầu tiên là 83,3% ở nhóm siêu âm so với 44,4% ở nhóm mốc giải phẫu (p = 0,006, OR = 6,2 với 95% CI = 1,46 - 26,46). Kết luận: Ứng dụng siêu âm khi đặt catheter tĩnh mạch cảnh trong làm tăng tỉ lệ thành công ở lần đâm kim đầu tiên, đặc biệt ở nhóm bác sĩ không có nhiều kinh nghiệm, tăng tỉ lệ thành công ở nhóm bệnh nhân có cân nặng thấp, giảm số lần đâm kim, giảm tỉ lệ biến chứng tràn khí màng phổi so với phương pháp mốc giải phẫu.