Trong nghiên cứu này các đặc trưng hạn hán, xu thế biến đổi của hạn hán và mối quan hệ giữa hạn hán trên lãnh thổ Việt Nam với một số quá trình quy mô lớn đã được khảo sát khi sử dụng các chỉ số hạn SPI và SPEI. Số liệu được sử dụng là nhiệt độ trung bình tháng và tổng lượng mưa tháng từ 146 trạm khí tượng Việt Nam thời kỳ 1980-2018 và các chỉ số khí hậu. Các đặc trưng hạn, gồm tần suất, độ dài, độ khắc nghiệt và phạm vi không gian của hạn, được khảo sát cho ba quy mô thời gian hạn khác nhau là hạn 3-tháng, hạn 6-tháng và hạn 12-tháng. Xu thế biến đổi của hạn được đánh giá thông qua kiểm nghiệm Mann-Kendal và hệ số góc Sen. Quan hệ giữa hạn hán với các quá trình quy mô lớn được khảo sát dựa trên hệ số tương giữa các chỉ số hạn với các chỉ số khí hậu cũng như với các hàm trực giao thực nghiệm của chúng. Kết quả nhận được cho thấy các đặc trưng hạn hán không có sự khác biệt rõ giữa kết quả tính theo SPI và SPEI nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa các quy mô thời gian hạn. Ảnh hưởng của nhiệt độ đối với hạn chỉ được thể hiện ở xu thế biến đổi của các chỉ số hạn. Cả hai chỉ số SPI và SPEI đều phản ánh tần suất và độ dài hạn ở các vùng khí hậu phía bắc lớn hơn các vùng phía nam. Hạn ở các vùng khí hậu phía nam có quan hệ tương quan tương đối rõ với nhóm các chỉ số ENSO. Hạn ở vùng Bắc Trung Bộ và một phần Nam Trung Bộ có quan hệ ở mức độ nào đó với dao động nhiều năm của nhiệt độ bề mặt biển trên các vùng biển Thái Bình dương và Đại Tây dương. Trong khi đó hạn ở ba vùng khí hậu phía bắc có quan hệ rất mờ nhạt với các chỉ số khí hậu.