Chế biến tinh bột sắn đã đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, tuy nhiên, nó cũng là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng ở Việt Nam. Công nghệ xử lý nước thải tinh bột sắn rất đa dạng và trong nhiều trường hợp là không bền vững. Chọn lọc công nghệ bền vững và phù hợp đòi hỏi phân tích cẩn thận các yếu tố kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội. Nghiên cứu này đã xây dựng bộ tiêu chí với 4 tiêu chí cấp 1 và 21 tiêu chí cấp 2 để đánh giá công nghệ xử lý nước thải sản xuất tinh bột sắn. Thứ tự mức độ quan trọng được xác định là: tiêu chí kỹ thuật (trọng số 55%), tiêu chí kinh tế (25%), tiêu chí môi trường (13%) và tiêu chí xã hội (7%). Trong số 21 tiêu chí cấp 2, tuân thủ pháp luật và hiệu quả xử lý là các yếu tố kỹ thuật quan trọng nhất
chi phí đầu tư, yêu cầu đất đai, thể chế và chính trị là các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội quan trọng nhất. Áp dụng bộ tiêu chí trên 3 công nghệ xử lý nước thải điển hình trên địa bàn huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, nghiên cứu đã lựa chọn một công nghệ phù hợp cao với địa phương, trong đó sử dụng kết hợp xử lý sinh học và hóa lý. Trong tương lai, các nghiên cứu kiểu này cần có thêm các chỉ tiêu đánh giá về khả năng giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu của công nghệ.