Đậu tương (Glycine max) là một trong những nhóm cây lương thực có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho chế biến thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng suất của đậu tương, trong đó sâu bệnh là tác nhân gây hại cao nhất. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ sinh học để chuyển các gen kháng sâu có nguồn gốc từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis có thể góp phần tăng năng suất đậu tương và giảm đáng kể việc sử dụng các thuốc trừ sâu hóa học. Hiện nay, có rất nhiều gen mã hóa protein độc tố được phát hiện từ vi khuẩn này như cry, cyt và vip với phổ diệt sâu hại rộng và đặc hiệu các loại côn trùng thuộc bộ Cánh vẩy, Hai cánh, Cánh cứng, Cánh nửa hay tuyến trùng. Trên thế giới, nhiều công trình nghiên cứu đã được thực hiện để chuyển các gen mã hóa protein độc tố ở dạng tổ hợp hoặc biến đổi để tăng hoạt tính gây độc cho sâu. Một số sự kiện đậu tương chuyển gen mang tính trạng kết hợp kháng sâu và kháng thuốc diệt cỏ được thương mại hóa và cho phép trồng trên nhiều quốc gia như MON 87701 × MON 89788 hay DAS-81419-2. Ở nước ta, các nghiên cứu chuyển gen kháng sâu vào đậu tương đã được thực hiện và việc khai thác, sàng lọc, lựa chọn các chủng B. thuringiensis bản địa có tính đa dạng sinh học cao mang các gen đích đặc hiệu diệt sâu hại phục vụ chuyển gen rất có ý nghĩa khoa học và triển vọng ứng dụng thực tiễn. Đây sẽ là nguồn vật liệu quan trọng để tạo ra nhiều giống đậu tương có khả năng kháng sâu tốt đáp ứng yêu cầu của con người.