Đạo đức nhà giáo là một vấn đề rất quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của bất kỳ quốc gia nào. Ở Việt Nam, trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, vấn đề này càng nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cũng như của toàn xã hội. Nhằm xác lập chuẩn mực đạo đức của đội ngũ nhà giáo trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), trên cơ sở phân tích tài liệu và khảo sát qua bảng câu hỏi, bài viết tập trung phân tích quan niệm của đội ngũ giảng viên ĐHQG-HCM đối với các thành tố tạo nên chuẩn mực đạo đức của nhà giáo đại học, bao gồm: (1) Phẩm chất chính trị - trách nhiệm công dân, (2) Đạo đức nghề nghiệp, (3) Lối sống, tác phong. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thang đo các tiêu chí đối với từng nhóm đều có độ tin cậy cao và đội ngũ giảng viên ĐHQG-HCM đều đánh giá cao tầm quan trọng của các tiêu chí này. Ngoài ra, nhận thức và thái độ trong việc nhìn nhận các tiêu chí này cũng phụ thuộc vào một số yếu tố nhất định, trong đó giới tính, độ tuổi và chuyên môn là ba nhân tố tạo ra những khác biệt đáng kể trong quan niệm về các tiêu chí đạo đức đối với giảng viên. Những kết quả của bài viết sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng bộ chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của đội ngũ giảng viên trong ĐHQG-HCM, đồng thời là kênh tham khảo cần thiết cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung.