Từ cuối những năm 1990 đến nay, sự phát triển nhanh chóng của Internet và công nghệ số không chỉ làm thay đổi diện mạo nền kinh tế xã hội mà còn tác động mạnh mẽ đến giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu mới, người giảng viên đại học phải nắm vững các phương pháp sư phạm có sử dụng công nghệ để đáp ứng những thách thức của giáo dục hiện đại, khuyến khích quá trình học tập tự chủ, tích cực, tương tác của người học, giúp họ phát triển các kĩ năng xuyên lĩnh vực như giải quyết vấn đề, làm việc hợp tác, đổi mới sáng tạo,... Muốn cải thiện năng lực sử dụng công nghệ số của giảng viên, nhất thiết phải có các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá vừa hoàn chỉnh vừa cụ thể, làm cơ sở để xây dựng một chương trình bồi dưỡng nghề nghiệp thường xuyên toàn diện, giúp giảng viên có đủ điều kiện để nâng cao và hoàn thiện dần các năng lực cần thiết, phù hợp với yêu cầu mới của bối cảnh giáo dục thời đại công nghệ số. Bài viết này nghiên cứu cơ sở lí luận của việc xây dựng và phát triển các bộ tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp dành cho giáo viên nói chung, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) hay công nghệ số nói riêng. Qua đó, chúng tôi sẽ đánh giá ưu điểm và nhược điểm của các bộ tiêu chuẩn hiện có trên thế giới cũng như ở Việt Nam, làm cơ sở để xuất một Khung tham chiếu năng lực công nghệ số dành cho giảng viên ĐHQG-HCM, đáp ứng nhu cầu thực tiễn này.