Nghiên cứu kiểm định sự tác động của tự chủ công việc đến hành vi công dân tổ chức thông qua nhận thức về cam kết tình cảm, và động lực nội tại của nhân viên hành chính tại các tổ chức giáo dục đại học trên Tp. Hồ Chí Minh. Tự chủ công việc được xem xét đồng thời bằng ba khía cạnh: Tự chủ trong kế hoạch, tự chủ trong phương pháp làm việc và tự chủ trong thực hiện quyết định. Mô hình cấu trúc bình phương tối thiểu từng phần (PLS-SEM) được áp dụng với 300 mẫu quan sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy các giả thuyết đều phù hợp với thực tế. Nghiên cứu đã cho thấy tự chủ công việc bằng ba khía cạnh nêu trên có ảnh hưởng tích cực đến hành vi công dân thông qua các yếu tố trung gian như: cam kết tình cảm và động lực nội tại. Trong đó, tự chủ trong kế hoạch có tác động mạnh nhất đến cam kết tình cảm, tự chủ trong phương pháp tác động nhiều nhất đến động lực nội tại, và cam kết tình cảm tác động tích cực nhất đến hành vi công dân tổ chức của nhân viên. Tự chủ công việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản trị nguồn nhân lực, tác động đến tình cảm, động lực và hành vi công dân của nhân viên. Tứ đó, Nghiên cứu thảo luận các hàm ý lý thuyết và đề xuất các hàm ý quản trị cho các tổ chức giáo dục đại học tại Tp. Hồ Chí Minh.