Ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về chưng cất tinh dầu từ lá sả bằng hơi nước trực tiếp, tuy nhiên chủ yếu tập trung vào nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ, áp suất và thời gian chưng cất tới hiệu suất thu hồi tinh dầu, với mục tiêu chính là giảm thời gian chưng cất mà chưa quan tâm tới thành phần các cấu tử trong tinh dầu sả thu được. Trong tinh dầu sả chứa không dưới 20 cấu tử tinh dầu, trong đó 3 cấu tử quan trọng nhất là citronellal, geraniol và citronellol. Theo TCVN 11426:2016 (tương đương với ISO 3848:2016) áp dụng cho tinh dầu sả Java xuất khẩu quy định hàm lượng: citronellal 31-40%, geraniol 20-25% và citronellol 8,5-14%. Tinh dầu sả Java hiện nay có hàm lượng geraniol thường nhỏ hơn 20% nên chưa đáp ứng được theo tiêu chuẩn ISO 3848:2016. Mục đích của nghiên cứu này là tối ưu hóa quá trình chưng cất các thông số: nhiệt độ, áp suất và thời gian chưng cất tinh dầu từ lá sả hương Tây Giang bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn theo hơi nước trực tiếp, đạt hàm mục tiêu: hàm lượng tinh dầu thu được lớn nhất và hàm lượng geraniol không nhỏ hơn 20%. Kết quả nghiên cứu đã xác định được các thông số kỹ thuật tối ưu cho chưng cất tinh dầu sả hương Tây Giang: nhiệt độ 116±1oC, áp suất 1,2±0,05 atm, thời gian 126±1 phút, hàm lượng tinh dầu thu được là 0,94% và geraniol là 20,17%. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm rất hữu ích để xác định công nghệ cho việc sản xuất tinh dầu sả hương Tây Giang quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu.