Nghiên cứu thực hiện nhằm mục tiêu (i) xác định được hiệu quả của vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía (PNSB) có khả năng cố định đạm đến sinh trưởng và năng suất lúa trong điều kiện mặn và (ii) xác định ảnh hưởng của dòng vi khuẩn bổ sung khi giảm lượng phân đạm vô cơ trên đất nhiễm mặn đến năng suất hạt lúa. Thí nghiệm hai nhân tố được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với nhân tố thứ nhất là bốn mức độ bón đạm (0, 50, 75 và 100% đạm so với khuyến cáo) và nhân tố thứ hai là vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía có khả năng cố định đạm (không bổ sung vi khuẩn, bổ sung vi khuẩn dòng đơn vi khuẩn R. sphaeroides W22, bổ sung vi khuẩn dòng đơn vi khuẩn R. sphaeroides W32, hai dòng đơn vi khuẩn R. sphaeroides W22 và W32, với mật số 2,0394 X 105 CFU g-1 đất khô), với bốn lần lặp lại. Kết quả thí nghiệm cho thấy, giảm 25% phân đạm so vói khuyến cáo đã dẫn đến giảm chiều cao cây, chiều dài bông, số bông chậu-1, số hạt bông-1, tỉ lệ hạt chắc và năng suất lúa trồng trên đất mặn. Sử dụng dòng đơn vi khuẩn W22, W32 hoặc hỗn hợp hai dòng vi khuẩn W22 và W32 giúp tăng chiều cao cây, chiều dài bông, số bông chậu-1, tỉ lệ hạt chắc. Ngoài ra, sử dụng dòng vi khuẩn W32 hoặc hỗn họp hai dòng vi khuẩn W22 và W32 kết hợp giảm 25% N đạt năng suất cao tương đương so với bón 100% N theo khuyến cáo trên đất mặn Hồng Dân, Bạc Liêu. Hàm lượng proline của các nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn đạt thấp hơn so vói các nghiệm thức không chủng vi khuẩn.