Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Việc chẩn đoán lao phổi AFB âm tính vẫn còn là một thách thức cho ngành y tế. Đối tượng, phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu được tiến hành trên tất cả những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và X-quang phổi nghi ngờ lao phổi vào điều trị tại khoa Bệnh Phổi - Bv TW Huế, có xét nghiệm 2 mẫu AFB đờm âm tính, gene Xpert MTB/RIF đờm âm tính và có chỉ định nội soi phế quản. Kết quả: Trong 47 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu có 31 bệnh nhân (chiếm tỉ lệ 66,0%) có tổn thương trên nội soi phế quản, số bệnh nhân không có tổn thương trên nội soi phế quản là 16 (chiếm tỉ lệ 34,0%) sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,0287. Đặc điểm tổn thương hay gặp nhất là xung huyết gặp ở 20 bệnh nhân (chiếm tỉ lệ 64,5%). Xơ sẹo hẹp và đàm gặp ở 8 và 7 trường hợp (chiếm tỉ lệ lần lượt là 25,8% và 22,6%). Vị trí tổn thương trên nội soi phế quản gặp nhiều nhất ở phổi phải (16 bệnh nhân chiếm tỉ lệ 51,6%). Tỷ lệ dương tính xét nghiệm Xpert MTB/RIF trong dịch rửa phế quản là 36,2%. Kết luận: Nội soi phế quản là một công cụ hữu ích trong chẩn đoán lao phổi thông qua hình ảnh quan sát được trong quá trình nội soi và đặc biệt là kết quả xét nghiệm dịch rửa phế quản. Xét nghiệm gene Xpert MTB/RIF trong dịch rửa phế quản có giá trị cao trong việc chẩn đoán những trường hợp lao phổi k hó chẩn đoán.