Khảo sát đặc điểm thống kinh và nhu cầu điều trị bằng Y học cổ truyền của sinh viên nữ trường Đại học Y dược Huế. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 409 sinh viên nữ hệ chính quy thuộc 8 ngành học của trường Đại học Y Dược Huế. Sinh viên được hướng dẫn và điền vào bộ câu hỏi soạn sẵn, sử dụng Thang điểm hồi cứu triệu chứng RSS - Cox để đánh giá các triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt, sử dụng thang điểm đánh giá mức độ mức độ đau VAS để đánh giá mức độ đau. Kết quả: Tỷ lệ thống kinh ở sinh viên nữ trường đại học Y Dược Huế là 88,8%. Mức độ đau vừa (theo VAS) chiếm 51,8%, đau nhẹ 30,3% và đau nặng 17,9%. Điểm trung bình RSS-Cox1 là 16,7±10,6 và RSS-Cox 2 là 13,0±9,5. Theo y học cổ truyền, thực chứng chiếm 65,3%, hư chứng 47,9%, nhiệt chứng 3,0% và hàn chứng 51,8%. Về thể lâm sàng, thể hàn thấp ngưng trệ chiếm 38,3%, khí trệ huyết ứ 30,9%, khí huyết lưỡng hư 18,7% và can thận hư 10,5%. Tỷ lệ sinh viên có nhu cầu điều trị bằng y học cổ truyền là 14,9%, xoa bóp bấm huyệt và cứu là hai phương pháp có nhu cầu điều trị cao nhất. Kết luận: Tỷ lệ thống kinh ở sinh viên nữ hệ chính quy trường Đại học Y Dược Huế ở mức cao, phần lớn có mức độ đau vừa, các triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt có tần suất xuất hiện nhiều với mức độ khá nặng nề. Theo y học cổ truyền, đa số có biểu hiện của thực chứng và hàn chứng tương ứng với thể hàn thấp ngưng trệ và khí trệ huyết ứ chiếm tỷ lệ cao hơn so với các thể còn lại. Nhu cầu điều trị thống kinh bằng y học cổ truyền tương đối thấp, đa số có nhu cầu điều trị bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt và cứu.