Khoai tây là nông sản được trồng và sử dụng phổ biến trên thế giới với giá trị về kinh tế, dinh dưỡng cao. Trong khoai tây luôn có mặt một số loài vi khuẩn gây hại do các nguồn gốc phơi nhiễm từ giống, đất trồng cũng như môi trường sau thu hoạch, làm cho chất lượng lẫn số lượng không được đảm bảo. Thông thường, chiếu xạ bằng các nguồn đồng vị gamma được dùng trong chiếu xạ thực phẩm, tuy nhiên nhược điểm của nguồn bức xạ gamma là vấn đề che chắn an toàn ngay cả không sử dụng để chiếu xạ. Ngày nay, chiếu xạ tia X càng được quan tâm trong bảo quản thực phẩm để lưu trữ thời gian dài. Ưu điểm của nguồn chiếu xạ tia X là tiêu diệt được vi khuẩn hiếu khí, nhưng không làm thay đổi chất lượng của khoai tây
một ưu điểm nữa của máy phát tia X là không phải che chắn phóng xạ khi không sự dụng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng tia X năng lượng thấp phát ra từ máy phát tia X MBR-1618R-BE (Hitachi -Nhật Bản) để nghiên cứu khả năng tiêu diệt vi khuẩn hiếu khí trong khoai tây trồng tại Đà Lạt. Các mẫu khoai tây chiếu xạ với các liều trong khoảng từ 50 Gy đến 5000 Gy. Mẫu sau khi chiếu xạ được đồng nhất và cấy trải trên môi trường Nutrient Agar và ủ nhiệt ở 37oC trong máy ủ nhiệt để kiểm tra sự thay đổi số vi khuẩn hiếu khí. Nghiên cứu cho thấy số lượng vi khuẩn hiếu khí giảm mạnh đến liều chiếu 1000 Gy (vi khuẩn hiếu khí chỉ còn nhỏ hơn 0,6%) và giảm thêm rất ít mặc dù liều chiếu xạ tăng lên mạnh. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy liều D10 là 471,34 Gy.