Mẫu ZnO biến tính với Cu(NO3)2 được tổng hợp bằng phương pháp sốc nhiệt ở 500oC nhằm cải thiện hoạt tính quang xúc tác dưới ánh sáng UV và Vis. Nghiên cứu này quan tâm đến ảnh hưởng của hàm lượng tiền chất Cu(NO3)2 biến tính (với các % tỉ lệ mol Cu:Zn = 0
0,3
0,5
1,0
2,0
5,0) lên hoạt tính quang xúc tác của mẫu. Cấu trúc và hình thái của các mẫu xúc tác được khảo sát thông qua các phương pháp: nhiễu xạ tia X (XRD), kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM), quang phổ hồng ngoại (FTIR) và phổ quang điện tử tia X (XPS). Hoạt tính quang xúc tác được đánh giá thông qua việc giảm cấp phẩm màu methylene xanh. Kết quả phân tích cho thấy cấu trúc tinh thể và hình dạng hạt các mẫu biến tính không thay đổi đáng kể so với ZnO, trừ sự xuất hiện pha CuO khi tỉ lệ mol Cu:Zn đạt 5,0%. Tuy nhiên, kết quả khảo sát bề mặt FTIR và XPS có sự khác biệt rõ rệt. Các mẫu biến tính có sự biến đổi độ bền liên kết Zn-O và có sự gia tăng khuyết tật bề mặt. Tuy nhiên khi tỉ lệ mol Cu:Zn đạt đến 5,0%, các biến đổi bề mặt ZnO giảm. Mẫu có tỉ lệ biến tính Cu 0,5% cho hoạt tính tốt nhất (kUV = 6,901 giờ-1 , kVIS= 0,224 giờ-1) hơn ZnO 2,1 lần trong vùng UV và 1,3 lần trong vùng Vis, trong khi mẫu có tỉ lệ 5,0% có hoạt tính thấp hơn cả ZnO ban đầu.