Đánh giá đặc điểm kỹ thuật và kết quả tái tạo lưu thông tĩnh mạch gan của mảnh ghép gan phải từ người hiến sống. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu trên 52 trường hợp được ghép gan từ người hiến sống sử dụng mảnh ghép gan phải tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2020. Kết quả: Có 42 trường hợp sử dụng mảnh ghép gan phải mở rộng gồm cả tĩnh mạch gan giữa (80,7%) và 10 trường hợp sử dụng mảnh ghép gan phải cải tiến có tĩnh mạch gan giữa được tái tạo lưu thông từ các nhánh V5 và/ hoặc V8 (19,3%). 100% các trường hợp tái tạo lưu thông tĩnh mạch gan sử dụng đoạn mạch nhân tạo polytetrafluoroethylene. 100% các trường hợp đều được nối tĩnh mạch gan giữa và tĩnh mạch gan phải thành miệng nối chung duy nhất và đều được mở rộng sang bên trái và xuống dưới tại lỗ của tĩnh mạch gan phải người nhận với chiều dài đường rạch trung bình lần lượt là 14 mm và 9,7 mm. Có 15/52 trường hợp có tĩnh mạch gan phải phụ có đường kính trên 5 mm được nối thẳng trực tiếp vào tĩnh mạch chủ dưới kiểu tận - bên (28,8%). Có 3/52 trường hợp biến chứng tĩnh mạch gan giữa (2 hẹp, 1 tắc) (5,7%). Tỷ lệ tử vong do biến chứng tĩnh mạch gan là 1,9%. Kết luận: Tái tạo lưu thông tĩnh mạch gan phải và giữa thành một miệng nối duy nhất trong ghép gan từ người hiến sống sử dụng mảnh ghép gan phải là một phương pháp đơn giản và an toàn. Hơn nữa, kỹ thuật này giúp giảm tỷ lệ hẹp tắc tĩnh mạch gan sau ghép.