Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu khả năng hình thành biofloc để duy trì sự ổn định của môi trường nước trong hệ thống ương giống tôm thẻ chân trắng. Một tổ hợp vi sinh phát triển từ nguồn nước tự nhiên được sử dụng để so sánh với đối chứng có bổ sung chế phẩm vi sinh công nghiệp. Thí nghiệm được tiến hành trong điều kiện hạn chế ánh sáng mặt trời trong 24 ngày, không có sự trao đổi nước và có bổ sung rỉ mật hàng ngày để làm nguồn carbon (tỷ lệ C/N ở mức 15:1). Tổ hợp biofloc hình thành đã kiểm soát lượng NH4+ và NO2- bằng quá trình đồng hóa dị dưỡng và nitrat hóa. Trong suốt quá trình thí nghiệm, hàm lượng N-NH4 và N-NO2 của hệ thống biofloc được duy trì ở mức an toàn đối với tôm con, lần lượt là 0,99 ± 0,02 mg·L-1 và 0,49 ± 0,08 mg·L-1. Ở mật độ nuôi 400 con·m-3, khối lượng tôm tăng từ 0,01 đến 0,59 g·con-1 sau 24 ngày nuôi ở tất cả các bể với tỷ lệ sống đạt 82,5%.