Lạm phát là một vấn đề tranh luận cao giữa các nhà kinh tế học bởi vì lạm phát có thể mang lại các tác động tích cực lẫn tiêu cực cho nền kinh tế, trong khi kiều hối là nguồn vốn quan trọng luôn được các nền kinh tế đang phát triển chào đón do bởi các đóng góp quan trọng cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, dòng kiều hối có thể làm gia tăng lạm phát, đưa đến các ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế. Do vậy, câu hỏi nghiên cứu đặc ra là dòng kiều hối có làm gia tăng lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển hay không? Để trả lời câu hỏi này, bài viết áp dụng phương pháp ước lượng GMM Arellano-Bond sai phân hai bước để đánh giá tác động của dòng kiều hối lên lạm phát ở 88 nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn 2002 đến 2021. Tính bền của các ước lượng được kiểm tra bằng phương pháp hồi quy biến công cụ phi yếu tố. Kết quả cho thấy kiều hối làm giảm lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển. Ngoài ra, cung tiền và độ mở thương mại làm tăng lạm phát trong khi tăng trưởng kinh tế làm giảm. Các phát hiện này đề xuất một vài hàm ý chính sách cho chính phủ ở các nền kinh tế đang phát triển trong việc thu hút kiều hối như một kênh kiểm soát lạm phát, và do vậy góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong nước.