Một trong những nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 là hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường theo đó Nhà nước sử dụng các công cụ quản lý bằng pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... để quản lý nền kinh tế và quản lý ngành, lĩnh vực kinh tế phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Việc đổi mới phương thức và công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế là nhà ở và thị trường bất động sản (NƠ & TTBĐS), thông qua sử dụng công cụ hoạch định chiến lược theo chuẩn mực quốc tế tiếp tục được áp dụng như một công cụ triển khai, kết nối hệ thống từ Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia với các chương trình phát triển nhà ở địa phương nhắm thúc đẩy phát triển nhà ở. Nghiên cứu sẽ đánh giá tổng quan về hoạch định chiến lược nhà ở trên thế giới, đánh giá thực trạng quản lý nhà ở theo công cụ hoạch định chiến lược cấp quốc gia và địa phương qua từng thời kỳ và xác định những tồn tại, hạn chế. Sau đó, căn cứ việc phân tích các bối cảnh chính sách làm rõ vai trò của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cùng với thị trường nhà ở và sự cần thiết phải đổi mới bằng công cụ hoạch định chiến lược trong lĩnh vực nhà ở, nêu lên sự khác biệt với định kiến xưa cũ về "kế hoạch hóa tập trung"trong nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam. Trong bối cảnh và xu hướng hiện đại, cùng với đó là các mục tiêu kinh tế - xã hội mới và các yêu cầu cải cách trong phương thức quản lý nhà nước, khắc phục các tồn tại để đề xuất hệ thống hoạch định chiến lược nhà ở, tăng cường năng lực đáp ứng các mục tiêu phát triển nhà ở quốc gia.