Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng sử dụng và chất lượng nước sinh hoạt tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới. Các phưong pháp tổng quan tài liệu, điều tra xã hội học, lấy mẫu, phân tích mẫu được sử dụng để đánh giá các nguồn nước cấp cũng như chất lượng nước sinh hoạt. Mối quan hệ của các chỉ tiêu chất lượng nước được đánh giá bằng kỹ thuật phân tích thống kê tương quan Pearson. Kết quả điều tra phỏng vấn cho thấy, 92/100 hộ sử dụng giếng khoan, còn lại là nguồn nước mưa và giếng đào để phục vụ mục đích sinh hoạt, số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, tỷ lệ sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước của toàn huyện Mỹ Đức ở mức thấp đạt 7,1%. Có 6/20 mẫu nước sinh hoạt không đáp ứng đủ điều kiện về chất lượng theo QCVN 02: 2009/BYT. Nước bị ô nhiễm bởi các thông số: mùi vị, sắt tổng số, amoni, chỉ số pecmanganat. Kết quả đánh giá tương quan cho thấy, thông số amoni tương quan chặt chẽ với sắt tổng số (r = 0,98) và Coliform (r = 0,89). Nghiên cứu cũng đã đề xuất 4 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại huyện Mỹ Đức.