Nhận xét nhu cầu điều trị chỉnh nha theo IOTN và xác định mối liên quan giữa chỉ số nhu cầu chỉnh nha theo IOTN và chỉ số tự tin theo thang đo Rosenberg. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang bằng phương pháp thăm khám lâm sàng, đo đạc trên mẫu thạch cao cung răng hai hàm và nghiên cứu định tính bằng phỏng vấn sâu dựa trên bảng câu hỏi theo thang đo Rosenberg trên 305 đối tượng sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (136 nam, 169 nữ) tuổi từ 18-24. Kết quả: Nhu cầu thẩm mỹ theo IOTN, mức 1 chiếm tỷ lệ cao nhất (35,7%), sau đó đến mức 4 (20,7%), mức 2 (16,7%), mức 5 (15,4%) và mức 3 (11,5%), nhu cầu không cần điều trị chiếm tỷ lệ cao nhất (52,4%), nhu cầu cần điều trị chiếm tỷ lệ thấp nhất (8,9%). Chỉ số tự tin theo thang đo Rosenberg, mức độ tự tin thấp chiếm đa số (59,7%), chỉ số tự tin tốt chiếm tỷ lệ thấp hơn (36,3%) và chỉ số tự tin mức độ rất tốt chiếm tỷ lệ nhỏ (4,0%). Nhu cầu thẩm mỹ răng mức 1 và mức 4, đồng thời có chỉ số tự tin thấp chiếm tỷ lệ cao nhất (22,6% và 13,4%). Nhu cầu thẩm mỹ răng mức 2 và 3đồng thời chỉ số tự tin rất tốt có tỷ lệ thấp nhất (0,3%), nhu cầu điều trị sức khỏe răng mức 1 và 2 (không cần điều trị) tương ứng với chỉ số tự tin loại thấp và tốt theo thang đo của Rosenberg chiếm tỷ lệ cao nhất (31,8% và 19,1%). Kết luận: Trong cùng một mức độ nhu cầu thẩm mỹ răng, chỉ số tự tin giảm dần theo thứ tự thấp, tốt và rất tốt. Không có mối liên quan giữa chỉ số nhu cầu thẩm mỹ răng theo IOTN và chỉ số tự tin theo thang đo của Rosenberg.