Xác định mối liên quan giữa cảm nhận được gia đình hỗ trợ với hành vi tự chăm sóc của bệnh nhân COPD. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện từ tháng 11/2020 đến 5/2021 trên bệnh nhân COPD đến khám và điều trị tại phòng khám quản lý hen- COPD, bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên, được chẩn đoán mắc COPD, có khả năng nghe hiểu tiếng Việt, không mắc các bệnh tâm thần kinh, sống cùng với ít nhất một người thân trong gia đình hoặc họ hàng, đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Bệnh nhân được phỏng vấn mặt đối mặt bằng bảng câu hỏisoạn sẵn. Thông tin thu thập gồm đặc điểm dân số xã hội, đặc điểm liên quan bệnh lý, hành vi tự chăm sóc của bệnh nhân và cảm nhận sự hỗ trợ từ gia đình. Kết quả: Tổng cộng có 220 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu với tuổi trung bình 66,9 ± 8,8 . Bệnh nhân nam chiếm 90%. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi tự chăm sóc mức độ trung bình trở lên là 94,5%. Tỷ lệ bệnh nhân cảm nhận được gia đình hỗ trợ tốt là 37,7%. Những bệnh nhân cảm nhận được gia đình hỗ trợ tốt có số chênh hành vi tự chăm sóc tốt cao hơn bệnh nhân cảm nhận được gia đình hỗ trợ kém (OR=8,67, KTC95%: 1,32-56,7, p=0,024). Kết luận: Cần cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người nhà bệnh nhân để có thể hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn trong quá trình tự chăm sóc. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân COPD để nâng cao hành vi tự chăm sóc của bệnh nhân tại nhà