Sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu, bài viết này tổng hợp và phân tích các thông tin về phát thải khí nhà kính (KNK), lợi ích khi áp dụng kỹ thuật ngập khô xen kẽ (AWD) và tiềm năng nhân rộng AWD trong canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).Hệ số phát thải khí mêtan (CH4) ở ĐBSCL là 1,92kg/ha/ngày, cao hơn hệ số phát thải ở Đông Nam Á và toàn cầu. AWD làm giảm lượng khí thải CH4 hàng năm (-51%) so với canh tác truyền thống (CF). AWD theo nông dân (AWDF) làm giảm CH4 đáng kể (35%) so với các ruộng CF. AWD và AWDF đều có năng suất cao hơn so với CF. Rào cản lớn cho áp dụng AWD là hệ thống tưới tiêu và phương pháp quan trắc mực nước, dẫn đến chưa thể ban hành các chính sách, thể chế về AWD cho toàn vùng ĐBSCL. Sử dụng IoT là phương pháp tiện ích trong quản lý nước cho người dân. Để nhân rộng AWD ở ĐBSCL cần (1) phát triển các kỹ thuật quản lý nước thông minh như áp dụng IoT và (2) xây dựng và ban hành chính sách, thể chế áp dụng AWD với quy mô rộng trên cơ sở đã hoàn hiện hệ thống tưới quy mô lớn.