Trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim không ST chênh lên, siêu âm đánh dấu mô cơ tim có thể cung cấp thông tin về chức năng cơ tim sớm. Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm của siêu âm đánh dấu mô cơ tim trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim không ST chênh lên tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang năm 2021-2022. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 83 bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2019. Kết quả: Phân suất tống máu (EF) xuất hiện nhiều nhất là 58,0%, có 41,0% bệnh nhân giảm phân suất tống máu (EF <
55%). Bệnh nhân có vùng cơ tim giảm sức căng là 90,4%. Kết quả biến dạng cơ tim (GLS) theo trục dọc trung bình là -13,61. Chỉ số trung bình vận động thành tim là 1,25. Số động mạch vành tổn thương có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê với cả 4 đặc điểm của siêu âm đánh dấu mô cơ tim (p<
0,05). Phân tầng nguy cơ theo thang điểm GRACE chỉ có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê với số vùng cơ tim giảm sức căng (p=0,042) và với trung bình GLS (p=0,012). Đặc điểm mức độ hẹp động mạch vành chỉ có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê với trung bình GLS (p=0,005). Kết luận: Khảo sát đặc điểm siêu âm đánh dấu mô cơ tim ghi nhận, có 41,0% bệnh nhân giảm phân suất tống máu, đa số bệnh nhân có chỉ số biến dạng toàn bộ thì tâm thu theo trục dọc gần giới hạn trên, đa số đều có giảm sức căng vùng cơ tim và tăng chỉ số vận động thành tim.