Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của PRF trong việc giảm sưng, đau sau phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới lệch ngầm. Phương pháp: Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, ngẫu nhiên, có nhóm chứng với thiết kế nửa miệng được thực hiện trên 26 bệnh nhân khỏe mạnh, có nhu cầu và chỉ định nhổ răng khôn hàm dưới ở cả hai bên với mức độ lệch ngầm tương đương nhau. Bệnh nhân đều được nhổ răng khôn theo quy trình chuẩn tại bộ môn Phẫu thuật miệng, Khoa Răng Hàm Mặt đại học Y Dược TP.HCM. Ở bên thử nghiệm, ổ răng khôn sau nhổ được làm sạch, đặt PRF và khâu đóng. Ở bên chứng, ổ răng được làm sạch và khâu đóng như quy trình thông thường, không đặt PRF. Đánh giá mức độ đau theo thang VAS biến đổi của Pasqualini (2005) vào thời điểm ngày 1, 3 và 7 sau phẫu thuật, mức độ sưng theo thang VAS biến đổi của Pasqualini (2005) và theo đo lường tại các điểm mốc ngoài mặt của hai nhóm tại thời điểm ngày 3 và 7 sau phẫu thuật. Kết quả: Mức độ đau ở nhóm được đặt PRF ít hơn so với nhóm chứng tại tất cả các thời điểm. Mức độ sưng theo thang VAS biến đổi không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở các thời điểm. Mức độ sưng theo chiều ngang dựa trên điểm mốc ngoài mặt của nhóm được đặt PRF ít hơn có ý nghĩa thống kê tại thời điểm ngày thứ 3 sau phẫu thuật. Kết luận: Nghiên cứu gợi ý rằng việc đặt PRF vào ổ răng khôn có khả năng làm giảm sưng, đau sau phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới lệch ngầm.