Những năm gần đây, Hậu Giang là một trong các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích canh tác cây mít phát triển nhanh chóng do chất lượng mít ở đây được đánh giá cao và đầu ra ổn định. Bệnh thối trái được phát hiện lần đầu năm 2018 đến nay đã lan ra toàn tỉnh, xuất hiện tất cả các giai đoạn phát triển của trái và các mùa trong năm, đã làm giảm năng suất, sản lượng trái từ đógây rất nhiều khó khăn cho người nông dân trong canh tác. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 100 nông hộ, thuộc 3 huyện Châu Thành, Châu Thành A, Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang và tiến hành điều tra, khảo sát về tình hình canh tác, tình hình sâu hại và các dấu hiệu đặc trưng của bệnh hại trên cây mít. Kết quả nghiên cứu cho thấy: cây mít cho hiệu quả kinh tế cao, có tỷ suất lợi nhuận trung bình cao hơn canh tác lúa 2 vụ gần 10 lần
bệnh hại mít chủ yếu là thối nhũn trái, xơ đen và nứt thân xì mủ. Các hộ dân sử dụng đa dạng các loại thuốc hóa học khác nhau, một số loại thuốc đã nằm trong danh mục cấm sử dụng. Đã đánh giá được tình hình nhiễm bệnh thối nhũn trái mít tại tỉnh Hậu Giang và xây dựng được bản mô tả triệu chứng điển hình của bệnh.