Calcium hydroxide còn dư trên thành ống tủy ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị nội nha, làm ảnh hưởng sức bền dán với ngà răng và độ kết dính của vật liệu trám bít với thành ống tủy. Nhiều phương pháp bơm rửa khác nhau được sử dụng để làm sạch calcium hydroxide. Do đó, nghiên cứu này thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả làm sạch calcium hydroxide trong ống tủy của các phương pháp bơm rửa khác nhau. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu in vitro thực hiện trên 30 răng cối nhỏ hàm dưới đã nhổ. Răng được sửa soạn và băng thuốc với calcium hydroxide. Sau đó, răng được chia thành ba nhóm (n = 10 răng/nhóm) và được bơm rửa loại bỏ calcium hydroxide bằng các phương pháp khác nhau. Cả ba nhóm đều được bơm rửa lần lượt với ba dung dịch (dd): dd NaOCl 2,5%, dd EDTA 17% và dd NaOCl 2,5%. Nhóm I không kích hoạt gì thêm. Nhóm II kích hoạt dung dịch bơm rửa bằng trâm quay ProTaper F2 trong 20 giây giữa các lần thay dung dịch bơm rửa. Nhóm III kích hoạt dung dịch bằng trâm siêu âm Irrisafe trong 20 giây giữa các lần thay dung dịch bơm rửa. Phần chân răng được cắt dọc theo chiều ngoài trong để quan sát bằng kính hiển vi soi nổi và đánh giá điểm số lượng calcium hydroxide còn lại trên thành ống tủy. Kết quả: Trung bình điểm số calcium hydroxide còn sót lại ở vị trí 1/3 chóp cao hơn so với 1/3 cổ và 1/3 giữa khi sử dụng phương pháp bơm rửa với kim bơm rửa và bơm rửa kết hợp trâm quay ProTaper (p <
0,05). Phương pháp bơm rửa kết hợp trâm quay ProTaper và bơm rửa kết hợp siêu âm có trung bình điểm số calcium hydroxide còn lại trong ống tuỷ thấp hơn so với phương pháp bơm rửa với kim bơm rửa (p <
0,05). Kết luận: Không có phương pháp bơm rửa nào loại bỏ hoàn toàn calcium hydroxide trên thành ống tủy. Phương pháp bơm rửa kết hợp trâm quay Protaper và bơm rửa siêu âm cho hiệu quả làm sạch calcium hydroxide cao hơn so với phương pháp bơm rửa với kim bơm rửa.