Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Do cư trú đan xen giữa các dân tộc, nên hiện nay, dưới tác động của hàng loạt nhân tố ngôn ngữ - xã hội, tại các vùng dân tộc thiểu số (DTTS), các cộng đồng đa ngữ được hình thành, phát triển ngày một mạnh mẽ, đa dạng. Theo đó, các ngôn ngữ tồn tại và sử dụng rất linh hoạt, biến động không ngừng. Vì thế, việc nghiên cứu hiện trạng đa ngữ xã hội ở các DTTS hết sức cần thiết. Kết quả nghiên cứu nhằm góp phần phát triển bền vững các vùng DTTS, xây dựng chính sách dân tộc nói chung và chính sách ngôn ngữ nói riêng ở nước ta trong giai đoạn đô thị hóa, toàn cầu cầu hóa và hội nhập quốc tế., Bài viết trình bày một số nội dung mang tính thời sự về đa ngữ xã hội, ở cả bình diện lý thuyết lẫn thực tiễn ở Việt Nam, gồm các nội dung: Làm rõ khái niệm đa ngữ xã hội với các khái niệm liên quan, chỉ ra đặc điểm cũng như các hệ quả của hiện tượng này. Đây có thể coi là cơ sở, định hướng cho việc nghiên cứu, khảo sát cụ thể và những vấn đề đặt ra đối với việc sử dụng ngôn ngữ tại các vùng DTTS ở Việt Nam hiện nay.