Sàng lọc dược liệu và các hợp chất tự nhiên có tác dụng chống oxy hóa ngày càng được quan tâm. Vỏ quả Lựu (Punica granatum L.) là một vị thuốc được sử dụng trong đông y và đang được quan tâm nghiên cứu. Mục tiêu: Nghiên cứu này được thực hiện để sơ bộ thành phần hóa thực vật và đánh giá hoạt tính chống oxy hóa của các cao chiết từ vỏ quả Lựu. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Vỏ quả Lựu được phân tích thành phần hóa thực vật bằng các phản ứng hóa học, xác định hàm lượng polyphenol và flavonoid toàn phần bằng phương pháp đo quang. Bột nguyên liệu khô được chiết xuất bằng phương pháp ngấm kiệt với ethanol 45% thu cao toàn phần và chiết lỏnglỏng thu các cao phân đoạn. Hoạt tính chống oxy hóa được đánh giá bằng các mô hình thử nghiệm in vitro bao gồm bắt gốc tự do DPPH, ABTS và tổng năng lực khử. Kết quả: Vỏ quả Lựu có chứa triterpenoid tự do, alkaloid, coumarin, anthraglycosid, flavonoid, anthocyanosid, proanthocyanidin, tannin, triterpenoid thủy phân, saponin, acid hữu cơ và hợp chất khử. Hàm lượng polyphenol và flavonoid toàn phần trong cao toàn phần lần lượt là 191,49 mg GAE/g d. w. và 9,80 mg QE/g d. w., cao hơn đáng kể so với nguyên liệu khô. Cao toàn phần và các cao phân đoạn từ vỏ quả Lựu có hoạt tính chống oxy hóa. Trong đó, cao phân đoạn ethyl acetat có hiệu quả bắt gốc tự do DPPH (IC50 = 1,81 μg/ml), ABTS (IC50 = 1,65 μg/ml) và tổng năng lực khử (EC50 = 4,88 μg/ml) cao nhất và cao hơn vitamin C. Kết luận: Vỏ quả Lựu chứa các hợp chất chuyển hóa thứ cấp có khả năng chống oxy hóa có tiềm năng trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm.