Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến các mô hình canh tác nông nghiệp của người dân vùng ven biển huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Số liệu được thu thập dựa trên phương pháp phỏng vấn trực tiếp 83 nông hộ và 12 cán bộ địa phương nhằm đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến các mô hình canh tác gồm: chuyên tôm, lúa - tôm, chăn nuôi và làm muối. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình chăn nuôi và lúa - tôm là hai mô hình chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ xâm nhập mặn. Các mô hình chuyên tôm, làm muối không bị ảnh hưởng nhiều, do đó có thể thấy các mô hình này sẽ thích hợp canh tác trong điều kiện mặn kéo dài hơn so với các mô hình còn lại. Để giảm các tác động bất lợi của xâm nhập mặn, 60% nông hộ trong mô hình lúa - tôm được phỏng vấn lựa chọn chuyển mô hình canh tác sang nuôi tôm, 15% lựa chọn nghỉ vụ để hạn chế rủi ro và 25% nông hộ còn lại canh tác bình thường. Các mô hình khác không ảnh hưởng nhiều nên không có sự chuyển đổi. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất thích ứng với xâm nhập mặn để đảm bảo được nguồn sinh kế cho người dân địa phương, thích ứng với sự xâm nhập mặn có thể diễn biến phức tạp trong tương lai.