Nghịch nhiệt là hiện tượng nhiệt độ không khí ở tầng đối lưu tăng theo chiều cao và thường xảy ra trong điều kiện khí quyển ổn định. Sự nghịch nhiệt hạn chế sự phân tán và góp phần làm tăng nồng độ của các chất ô nhiễm không khí. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu đặc điểm và ảnh hưởng của nghịch nhiệt đến nồng độ bụi mịn PM2.5 dựa vào dữ liệu thám không và dữ liệu quan trắc nồng độ PM2.5 tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2019- 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy khí quyển có xu hướng ổn định hơn và cường độ của nghịch nhiệt cũng cao hơn vào buổi sáng của mùa khô và buổi tối của mùa mưa. Cường độ nghịch nhiệt lớn có thể làm hạn chế sự xáo trộn và phân tán của bụi mịn PM2.5, từ đó làm gia tăng nồng độ PM2.5 tại lớp khí quyển gần mặt đất. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có sự gia tăng nồng độ PM2.5 vào những ngày xảy ra nghịch nhiệt do sự phân tán của PM2.5 trong không khí suy giảm, từ đó làm tăng nồng độ của PM2.5. Ngược lại, vào những ngày không xảy ra nghịch nhiệt, nồng độ PM2.5 trong không khí có xu hướng giảm vì khả năng phân tán của PM2.5 được cải thiện.