So sánh hàm lượng saponin, hoạt tính kháng khuẩn và gây độc tế bào ung thư của loài BLMH ở Kon Tum và loài BLMH ở phía Bắc. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Thân rễ của hai loài BLMH được so sánh nhóm hợp chất saponin bằng phản ứng hóa học, sắc ký lớp mỏng và định lượng bằng phương pháp đo quang. Bột nguyên liệu khô được chiết xuất bằng phương pháp ngấm kiệt và chiết lỏng-lỏng thu cao tổng và các cao phân đoạn. Hoạt tính kháng khuẩn được đánh giá thông qua giá trị MIC (Minimum inhibitory concetration) và hoạt tính gây độc tế bào ung thư được đánh giá bằng thử nghiệm SRB (Sulforhodamin B). Kết quả: Cả hai loài BLMH đều có chứa saponin, cụ thể là gracillin - một saponin steroid và không có sự khác biệt về hàm lượng saponin toàn phần theo chuẩn gracillin ở cả hai loài này. Cao chiết từ 2 loài BLMH đều có hoạt tính kháng S. aureus MSSA, S. aureus MRSA, E. coli và P. aeruginosa (MIC từ 6,25-50 mg/ml). Cao chiết từ BLMH Kon Tum thể hiện hoạt tính này tốt hơn BLMH phía Bắc. Trong khi đó, loài BLMH phía Bắc thể hiện hoạt tính gây độc tế bào ung thư tốt hơn loài BLMH Kon Tum. Trong đó, cao phân đoạn ethyl acetat có khả năng gây độc cao nhất trên cả 4 dòng tế bào ung thư MCF-7, HeLa, NCI-H460 và HepG2. Kết luận: Có sự tương đồng về nhóm hợp chất saponin ở cả hai loài BLMH và có sự khác biệt đáng kể về hoạt tính kháng khuẩn và gây độc tế bào ung thư của hai loài này.