Thông qua các dữ liệu thống kê, các nghiên cứu của đồng nghiệp và kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, bài viết hướng đến một số phát hiện liên quan đến các chiều cạnh cơ bản trong thực tế sinh kế của nhóm lao động di cư tự do ở Hà Nội trong thời kỳ bùng phát của đại dịch Covid-19. Trước hết, đại dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đến chiều cạnh quan trọng nhất trong sinh kế của lao động nhập cư tự do là việc làm và thu nhập. Do vậy, dạng sinh kế ứng phó của họ khi đó phổ biến nhất là cắt giảm chi tiêu ở mức tối đa, chỉ giới hạn trong khoản tiền mà họ có được. Trở về quê để tránh dịch bệnh, đồng thời cũng để giúp giảm bớt các khoản chi tiêu đắt đỏ ở Hà Nội cũng là dạng sinh kế ứng phó được một bộ phận lao động nhập cư tự do lựa chọn. Tìm kiếm một nguồn thu nhập khác phù hợp với thực tế cũng được các lao động hướng đến, song họ phải chấp nhận nguy cơ rủi ro cao của bệnh dịch. Việc tiếp cận của một bộ phận lao động nhập cư tự do đến các gói hỗ trợ của xã hội, đặc biệt là gói hỗ trợ của chính phủ vẫn còn có những hạn chế bất cập nhất định. Khi đại dịch bùng phát, việc phân biệt đối xử, sự né tránh, e ngại trong giao tiếp, ứng xử với người nhập cư tự do ở một vài trường hợp tại Hà Nội được thể hiện rõ ràng hơn. Điều đó càng làm gia tăng hơn mức độ của kỳ thị cảm nhận ở mỗi cá nhân, gia đình người nhập cư.