Ngành công nghiệp thủy sản trong nước đang phát triển trong bối cảnh Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu thủy sản. Theo đó, nước thải của ngành thủy sản, đặc biệt là nước thải chế biến vỏ đầu tôm đang gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Nghiên cứu thử nghiệm kết hợp mô hình cột AS (air stripping) và bể AAO (anaerobic-anoxic-oxic) quy mô phòng thí nghiệm để đánh giá hiệu suất xử lý kết hợp cho nước thải này. Nước thải đầu vào có nồng độ ô nhiễm rất cao TSS =455 ± 63,8 mg/L, COD = 5.601 ± 1.292 mg/L, BOD5 =2.954 ± 271,0 mg/L, N-NH4+=1.497 ± 143,2 mg/L, TN= 2.003±158,0 mg/L, TP =177,7±57,7 mg/L và pH=6,8±0,07. Kết quả nghiên cứu cho thấy cột AS có thể sử dụng làm công đoạn xử lý ni-tơ chính trong nước thải với hiệu suất loại bỏ N-NH4+ xấp xỉ 90%. Cụm công nghệ AS kết hợp AAO có hiệu suất xử lý cao với TSS đạt 93,49%, BOD5 98,96%, COD 98,71%, N-NH4+ 99,54%, TN 99,05%, và TP 94,88%. Có thể thấy rằng, cụm AS và cụm AAO có thể kết hợp trong xử lý nước thải chế biến vỏ đầu tôm có nồng độ ô nhiễm cao.