Giáo dục Việt Nam đang trong quá trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa, thực hiện công cuộc cải cách để đáp ứng những nhu cầu của thời đại công nghiệp 4.0. Môn Ngữ văn là một môn học quan trọng luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của xã hội vì ngoài việc giúp người học phát triển năng lực về ngôn ngữ, môn học này còn góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho học sinh. Để đáp ứng được mục đích giáo dục ấy, việc biên soạn sách giáo khoa cho môn học này chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Nền giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng hoà ở miền Nam giai đoạn 1955-1975 dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng các nhà quản lý giáo dục dưới chế độ này đã có nhiều nỗ lực để xây dựng một chương trình giáo dục được đánh giá là đã có nhiều điểm tiến bộ. Để đáp ứng được mục đích giáo dục với triết lí nhân bản, dân tộc, khai phóng, một trong những môn học rất được các nhà quản lý giáo dục giai đoạn này quan tâm là môn Ngữ văn. Bài viết của chúng tôi muốn thông qua việc tìm hiểu văn chương Tự Lực Văn Đoàn trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà ở miền Nam giai đoạn 1955-1975 để hiểu hơn về tiêu chí lựa chọn ngữ liệu của các nhà biên soạn sách giáo giai đoạn này và cũng để hiểu thêm về những giá trị của văn chương Tự Lực Văn Đoàn - một Văn đoàn đã có nhiều đóng góp cho sự đổi mới văn hoá, văn học giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.