Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thay vì cách tiếp cận khởi nghiệp sáng tạo của thế hệ đại học thứ ba truyền thống, các trường đại học cần được định nghĩa lại như một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không phải chỉ vì lợi ích "cho chính nó" mà còn phải "cho những người khác", vì cộng đồng. Do đó, quá trình chuyển đổi trường đại học cần đảm bảo cả ba yêu cầu: thay đổi căn bản tư duy, triển khai đổi mới sáng tạo toàn diện, cũng như khuyến khích các chuẩn mực về sinh thái và xã hội. Quá trình đổi mới như vậy tích hợp được cả tinh thần khởi nghiệp, tiếp cận đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo cá thể hóa cũng như thúc đẩy các chuẩn mực đạo đức mới. Mức độ đáp ứng mô hình đại học đó có thể được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn và chỉ báo của hệ thống đối sánh chất lượng giáo dục đại học (University Performance Metrics - UPM). Trong công trình nghiên cứu này, bộ tiêu chí UPM được áp dụng để đối sánh cho một số trường đại học của Việt Nam và Thái Lan. Kết quả chỉ ra rằng, trong khi phải tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng các nghiên cứu cơ bản, các cơ sở giáo dục đại học cần phát triển toàn diện theo mô hình đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo. Đấy cũng là cơ sở để các trường đại học tăng cường năng lực và các điều kiện thực hiện đầy đủ quyền tự chủ trong lộ trình triển khai sứ mệnh của mình.