Đánh giá các phương pháp điều trị đau quặn thận cấp trên bệnh nhân có thai, việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc các yếu tố liên quan như có sỏi niệu quản hay không, vị trí, kích thước sỏi... cũng như mức độ đau sau điều trị. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu cắt ngang mô tả hồi cứu, chọn tất cả bệnh nhân nữ mang thai có triệu chứng đau quặn thận cấp (bao gồm giãn niệu quản, có hoặc không có sỏi niệu quản) từ 1/1/2013 đến 1/5/2023. Kết quả: có tất cả 43 trường hợp được điều trị tại Khoa Ngoại TQ- BV HAGL. Tỉ lệ bệnh nhân xuất hiện đau quặn thận cấp trong Quý I là 16,27%, Quý II là 55,82%, Quý III là 27,91%. Về vị trí xuất hiện cơn đau: 65,12% bệnh nhân đau quặn hông lưng, 34,88% đau vùng hạ vị, hông kèm triệu chứng đường tiểu dưới. Vị trí sỏi 16,27% sỏi 1/3 trên, 27,9% sỏi 1/3 giữa, 18,62% sỏi 1/3 dưới và 37,21% không phát hiện sỏi. Kích thước sỏi: 37,21% không phát hiện sỏi, 41,86% sỏi <
1cm, 20,93% sỏi>
1cm. Phương pháp điều trị: Nội khoa chiếm 41,86% trường hợp. 58,15% trường hợp điều trị Ngoại khoa gồm 27,91%trường hợp nội soi tán sỏi và 30,23% trường hợp đặt sonde JJ. Đánh giá đau sau mổ: sử dụng thước đánh giá đau theo thang điểm Wong Barker từ 0- 10, có 72,09% trường hợp đau nhẹ (1- 2 điểm) và 27,91% đau vừa (3 điểm). Kết luận: phần lớn trường hợp có triệu chứng đau quặn thận cấp xảy ra trong Quý II, III của thai kì. Phần lớn bệnh nhân thường ít đau sau điều trị, việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng có sỏi niệu quản hay không, vị trí, kích thước sỏi.