Nghiên cứu đánh giá khả năng sử dụng chỉ số thực vật kháng khí quyển (ARVI) dựa vào dữ liệu ảnh viễn thám Sentinel-2 để lập bản đồ lớp phủ rừng so với chỉ số NDVI tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Kết quả cho thấy độ chính xác tổng thể của bản đồ lớp phủ rừng dựa vào chỉ số ARVI từ 88,9% (năm 2016) đến 92,0% (năm 2022) với hệ số Kappa tương ứng là 0,79 và 0,86. So sánh kết quả bản đồ lớp phủ giữa chỉ số NDVI và chỉ số ARVI từ ảnh Sentinel-2 cho thấy ARVI thể hiện kết quả tốt tại huyện Lạc Dương. Do vậy, tư liệu ảnh Sentinel-2 đa thời gian trong nghiên cứu sự thay đổi hoạt động sử dụng đất, lớp phủ rừng dựa trên ngưỡng chỉ số ARVI có thể sử dụng cho khu vực nghiên cứu. Diện tích đất che phủ bởi rừng tại huyện Lạc Dương tăng thêm 1718,4 ha từ năm 2016 đến năm 2022, trong khi độ che phủ bởi đối tượng khác lại giảm xuống 1662,1 ha trong cùng giai đoạn nghiên cứu. Ngược lại, trong giai đoạn 2018-2020, diện tích che phủ bởi rừng giảm 1156,1 ha, diện tích che phủ bởi đối tượng khác tăng 1032,8 ha. Nghiên cứu đã xác định các nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi hoạt động sử dụng đất trong giai đoạn 2016-2022, bao gồm việc mở rộng hoạt động sản xuất cà phê, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường, thiếu đất cho sản xuất nông nghiệp và khả năng duy trì sinh kế bền vững. Nghiên cứu đề xuất chỉ số ARVI có thể được sử dụng để theo dõi và phát hiện những thay đổi của lớp phủ mặt đất, đặc biệt trong phát hiện mất rừng và suy thoái rừng ở các vùng nhiệt đới, miền núi của Việt Nam, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Nên các nghiên cứu tập trung đánh giá mối quan hệ về sự thay đổi hoạt động sử dụng đất với hoạt động quản lý ngoài các nhân tố đói nghèo và môi trường liên quan đến chúng.