Mục tiêu chính của bài báo này là làm sáng tỏ cơ chế hình thành và tiến hóa của cồn cát phía ngoài Cửa Đại - cửa đổ ra biển của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Kết hợp phân tích hình thái động lực bờ biển với phương pháp viễn thám, bản đồ và GIS cho thấy, sự hình thành và tiến hóa của cồn Cửa Đại phụ thuộc vào mối tương tác lâu dài và phức tạp giữa động lực của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển phía ngoài, bao gồm cả quần đảo Cù Lao Chàm. Quá trình này xảy ra theo 3 giai đoạn: i) Hình thành cồn ngầm phía trước cửa sông
ii) Đảo trước cửa sông
và iii) Biến dạng hình thái đảo trước cửa sông. Nguồn vật chất hình thành cồn Cửa Đại ngoài do hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn mang ra còn do di chuyển trầm tích dọc bờ (xói lở bờ biển và cửa sông), chủ yếu từ đoạn bờ phía bắc Cửa Đại. Dựa vào mối tương tác giữa 2 yếu tố vật chất (trầm tích sông và trầm tích dọc bờ) và năng lượng (động lực biển và dòng chảy sông) sơ bộ sự tiến hóa của cồn cát phía ngoài Cửa Đại có thể theo xu thế hoặc: i) Di chuyển dần vào gần bờ phía bắc Cửa Đại và bị xói lở theo thời gian rồi biến mất với điều kiện không có những trận lũ lớn ở hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, chế độ sóng và dòng chảy bình thường như thời kỳ trước năm 2016
hoặc ii) Đảo cát sẽ tiếp tục tồn tại và ít biến đổi nếu có sự gia tăng của hiện tượng biến đổi khí hậu làm xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng cực đoan như bão, lũ, mực nước biển dâng cao.