Mổ mở khâu lỗ thủng được áp dụng ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật nội soi, dây chằng tròn được sử dụng như là một cấu trúc thay thế mạc nối lớn để tăng cường, làm chắc đường khâu lỗ thủng ổ loét dạ dày - tá tràng. Mục tiêu: đánh giá kết quả mổ mở điều trị thủng ổ loét dạ dày tá tràng có sử dụng dây chằng tròn tại Bệnh viện Bạch Mai. Đối tượng: 64 bệnh nhân được mổ từ tháng 01/2018 - 6/2023. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả, hồi cứu. Kết quả: Tuổi trung bình: 67,53±14,67 (38-97) tuổi. Đường kính lỗ thủng (mm): 5 - 10 mm, >
10 mm lần lượt là 78,1% và 21,9%
Vị trí lỗ thủng tại hành tá tràng, môn vị, tiền môn vị lần lượt là 79,7%, 15,6%, 4,7%
bờ ổ loét mềm mại và xơ chai lần lượt là 68,8% và 31,3%. Thời gian nằm viện: 9,42±6,02 (1-26) ngày, thời gian lưu thông ruột sau mổ: 4,05±1,19. Biến chứng sau mổ: rò tiêu hóa, viêm phổi, nhiễm trùng vết mổ, suy gan cấp, suy đa tạng lần lượt là 0%, 20,3%, 6,3%, 4,7%, 12,5%. Tỷ lệ tử vong 7,8%. Khám lại sau 1 tháng (n=38): Visick 1,2,3 là 2,6%, 44,7%, 52,6%
sau 6 tháng (n=23): Visick 1,2,3 là 76,7%, 23,3%, 0%
nội soi dạ dày: 86,7% lành, 13,3% còn loét. Phân tích hồi quy logistic đơn biến cho tỷ lệ tử vong liên quan đến các biến chứng:viêm phổi (p=0,041), suy gan cấp (p=0,007), suy đa tạng (p=0.001). Phân tích hồi quy logistic đa biến cho tỷ lệ tử vong liên quan đến biến chứng: suy đa tạng (p=0,012). Kết luận: kỹ thuật sử dụng dây chằng tròn trong mổ mở là khả thi trong điều trị thủng dạ dày tá tràng. Suy đa tạng là yếu tố độc lập liên quan đến tử vong sau mổ.