Việc phát hiện bệnh và đánh giá chính xác các tổn thương xương chũm là rất quan trọng từ đó sẽ có hướng phẫu thuật, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. CT scan xương thái dương là một phương tiện chẩn đoán cực kì hữu hiệu và thông dụng. Mục tiêu: Khảo sát lâm sàng, nội soi và hình ảnh học xương chũm trên CT scan của bệnh nhân viêm tai giữa mạn tính không cholesteatoma. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả trên 76 bệnh nhân viêm tai giữa mạn tính. Kết quả: Có 95 tai bệnh, phần lớn nghe kém mức độ vừa (46,3%), thường gặp thủng nhĩ (73,7%), thủng trung tâm (74,3%) và không sát xương (62,9%), kích thước lỗ thủng đa dạng. Xương chũm phần lớn đặc ngà (56,8%)
kém phát triển (68,4%)
thường thấy tổn thương mờ đặc (58,9%). Có sự liên quan giữa mức độ phát triển xương chũm và các dạng hình ảnh bệnh lý trên CT scan. Và hình ảnh bệnh lý trong xương chũm cũng có tương quan với tính chất sát xương của lỗ thủng màng nhĩ. Kết luận: Viêm tai giữa mạn tính thường có nghe kém vừa, có thủng nhĩ, xương chũm kém phát triển. Mức độ thông khí xương chũm tương quan nghịch với mức độ nghiêm trọng của tổn thương bệnh lý.