Tờ Washington đã gây ấn tượng trong tác nghiệp tại Thế vận hội Olympic 2012 khi sử dụng Heliograf, một công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa tin về sự kiện. New York Times giành được giải thưởng Grand Prix với phim ngắn "The Displaced", một câu chuyện ứng dụng thực tế ảo VR. Bloomberg là hãng tin đầu tiên sử dụng Cyborg, một chương trình phân tích các báo cáo tài chính và viết các câu chuyện tin tức dựa trên các số liệu liên quan. AI đã "xâm nhập" vào tòa soạn báo lớn trong gần một thập kỉ qua và đã tham gia sản xuất các câu chuyện tin tức, các báo cáo tài chính và chương trình thông tin giao thông. Khi các phương tiện truyền thông chính thống phải cạnh tranh để giành được sự chú ý và giữ được lòng tin của công chúng thì việc sử dụng AI trong công việc ở các tòa soạn cũng gia tăng. Trong một khảo sát toàn cầu năm 2019 của Polis1 (một bộ phận tư vấn và nghiên cứu truyền thông thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế London) về báo chí và AI mang tựa đề "Quyền lực mới, Trách nhiệm mới" (New powers, New responsibilities), Charlie Beckett và và các cộng sự của mình đã khảo sát 71 tổ chức tin tức ở 32 quốc gia về việc sử dụng AI và tác động của AI đến báo chí và ngành công nghiệp tin tức. Báo cáo cho thấy hiện tại các tòa soạn chủ yếu sử dụng AI trong ba lĩnh vực: Thu thập, sản xuất và phân phối tin tức.