Mục tiêu: Phân tích tính phù hợp của dự phòng sốt giảm bạch cầu trung tính (BCTT) do hoá trị liệu bằng G-CSF so với khuyến cáo và hiệu quả dự phòng trong việc làm giảm biến cố giảm BCTT. Đối tượng, phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu mô tả trên bệnh án của các bệnh nhân chẩn đoán ung thư vú sử dụng phác đồ AC và u lympho sử dụng phác đồ (R)CHOP tại các khoa Nội bệnh viện K, có thời gian ra viện từ 01/2019 đến 6/2019. Ghi nhận các thông tin cần thiết trên bệnh án để đánh giá nhu cầu cần dự phòng biến cố giảm BCTT tại mỗi chu kỳ, từ đó đánh giá tính phù hợp việc sử dụng G-CSF theo các hướngdẫn điều trị. Ghi nhận các đợt giảm BCTT và biến chứng liên quan để đánh giá hiệu quả dự phòng. Kết quả: Nghiên cứu thu thập được 159 bệnh án (412 chu kỳ AC và 284 chu kỳ (R)CHOP). Tỷ lệ các nhóm chu kỳ phân loại theo đặc điểm dự phòng G-CSF: dự phòng phù hợp (68,2%), dự phòng thừa (18,4%), dự phòng thiếu (13,4%). Trong đó, dự phòng không phù hợp cao hơn ở phác đồ nguy cơ trung bình so với phác đồ nguy cơ cao. Dự phòng thừa chủ yếu xảy ra ở các chu kỳ sau và trên bệnh nhân u lympho. Tỷ lệ giảm BCTT bất kỳ mức độ nào, giảm BCTT nặng và các biến chứng giảm BCTT ở nhóm dự phòng thiếu cao hơn nhóm dự phòng phù hợp (p<
0,05), và không có sự khác biệt giữa nhóm dự phòng phù hợp và nhóm dự phòng thừa (p>
0,05). Kết luận: Thực trạng dự phòng biến cố giảm BCTT bằng G-CSF trong thực hành lâm sàng còn có sự chưa thống nhất so với các khuyến cáo hiện nay. Dự phòng G-CSF đầy đủ tuân thủ theo các khuyến cáo có thể mang lại lợi ích trong việc giảm tỷ lệ biến cố BCTT, dự phòng thiếu có nguy cơ cao hơn xảy ra biến cố này.