12 tổ hợp lai triển vọng được khảo nghiệm trong vụ đông 2016 tại 5 địa điểm ở các tỉnh phía Bắc với ký hiệu giống khảo nghiệm từ V1 - V12. Kết quả xác định được các tổ hợp V4, V6, V7, V8 và V9 có ưu thế hơn về năng suất so với các tổ hợp còn lại và đối chứng, năng suất đạt từ 6,59 - 7,19 tấn/ha, thời gian sinh trưởng từ 116,4 - 120,4 ngày. Trong đó 3 tổ hợp V6, V7 và V8 được đánh giá có khả năng chống chịu tương đương đối chứng DK9901. Kết quả phân tích về khả năng thích ứng và độ ổn định của các tổ hợp khảo nghiệm cho thấy chỉ có duy nhất tổ hợp V7 có năng suất cao hơn cả 3 giống đối chứng ở mức có ý nghĩa với độ tin cậy 95%. Tổ hợp V7 thích nghi tốt và ổn định xét theo cả hệ số hồi quy (bi) và tham số độ lệch (S2di) (bi≈ 1
S2 di có giá trị nhỏ). Trong vụ đông 2016, năng suất trung bình của tổ hợp V7 diễn biến theo xu hướng chung của toàn thí nghiệm, đạt năng suất cao ở môi trường tốt và năng suất thấp hơn ở môi trường kém hơn. So với các giống đối chứng, tổ hợp V7 có khả năng thích ứng và độ ổn định tốt hơn, thể hiện qua ưu thế cho năng suất cao nhất trong thí nghiệm ở cả môi trường khó khăn cũng như ở môi trường thuận lợi hơn. Trong các điểm khảo nghiệm, với giá trị chỉ số môi trường cao nhất (Ij = 2,447) thì Vĩnh Phúc là địa điểm có điều kiện sinh thái thuận lợi nhất cho các giống ngô khảo nghiệm.