Mùi thơm là một trong những đặc tính chất lượng quan trọng của lúa, liên quan đến sự hiện diện của hợp chất 2-acetyl-1-pyrroline (2AP). Một gen lặn nằm trên nhiễm sắc thể số 8 được xác định liên kết chặt với tính trạng này. Nghiên cứu sử dụng giống lúa OM1490 lai với hai giống bố Lộc Trời 28 và Hương Cốm 16 có đặc tính thơm để tạo giống mới qua chọn lọc phả hệ. Đánh giá kiểu hình mùi thơm lá bằng KOH 1,7% và kiểu gen bằng chỉ thị phân tử ASA (Allele specific amplication) của BADH2 cho 100 cá thể ngẫu nhiên ở quần thể F2 của hai tổ hợp OM1490/Lộc Trời 28, OM1490/Hương Cốm 16. Số liệu phân tích kết quả thí nghiệm cho thấy tính trạng mùi thơm lúa ở hai quần thể F2 phân li theo định luật di truyền Mendel (với tỉ lệ 3 không thơm 1 thơm). Kiểu gen mùi thơm của 100 cá thể đối với hai tổ hợp OM1490/Lộc Trời 28, OM1490/Hương Cốm 16 phân biệt các cá thể thơm đồng hợp tử chính xác cao (≥90%). Tần suất kiểu gen thơm ở hai quần thể F2 ở trạng thái cân bằng Hardy-Weinberg, không có sự biến đổi qua các hệ phân ly. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, chọn tính trạng mùi thơm giống lúa sẽ hiệu quả hơn ở các thế hệ sau, khi quần thể lúa thuần.