Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát một số tính chất lý, hóa học cơ bản của đất dưới các sinh cảnh sống của một số loài thực vật ngoại lai xâm hại điển hình ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, thành phố Đà Nẵng. Các kết quả phân tích cho thấy, đất ở khu vực nghiên cứu có phản ứng rất chua (pH KCL 3,84 - 4,52), tỷ trọng các thể rắn của đất tương đối cao (2,31 - 2,62 g/cm3), thành phần cơ giới của đất từ thịt pha cát đến sét trung bình, dung tích hấp phụ cation CEC và hàm lượng Ca2+, Mg2+ trao đổi đều rất thấp, hàm lượng hữu cơ nằm trong khoảng từ trung bình đến khá (2,28 - 3,41%), đất có hàm lượng nitơ tổng số rất nghèo (0,047-0,065%), hàm lượng nitơ dễ tiêu đạt được mức giàu (15,53 - 31,26 mg/100 g đất), hàm lượng photpho tổng số từ nghèo đến trung bình (0,37-0,062%), hàm lượng photpho dễ tiêu ở mức rất nghèo (1,07-2,07 mg/100 g đất), hàm lượng kali tổng số ở mức nghèo (0,048-0,109%), hàm lượng kali dễ tiêu từ rất nghèo đến nghèo (3,08-5,62 mg/100g đất). Dù cho đất ở khu vực nghiên cứu đều nghèo dinh dưỡng và có một số hạn chế, nhưng trên đất này các loài thực vật ngoại lai xâm hại vẫn sinh trưởng, phát triển và thích nghi tốt, chúng còn có độ che phủ khá cao. Điều này góp phần cảnh báo nguy cơ xâm hại trên diện rộng của những loài thực vật ngoại lai trong các điều kiện dinh dưỡng đất khác nhau ở khu vực nghiên cứu, chúng có thể cạnh tranh và đe dọa môi trường sống của những loài thực vật bản địa.