Ung thư tụy là bệnh tiến triển nhanh, tỷ lệ sống sau 5 năm thấp, không quá 11%. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ sống sau 5 năm cải thiện rõ. Chẩn đoán ung thư tụy, bên cạnh các biện pháp chẩn đoán hình ảnh thông thường, việc có được tiêu chuẩn vàng về mô bệnh học để chẩn đoán ung thư tụy đến nay vẫn còn là một thách thức. Sự ra đời của siêu âm nội soi và kỹ thuật sinh thiết bằng kim nhỏ (EUS-FNB) đã tạo ra bước ngoặc lớn trong chẩn đoán mô bệnh học về u tụy. Nhưng ở Việt Nam chưa có nhiều công bố về hiệu quả và độ an toàn của kỹ thuật này. Mục tiêu 1. Đánh giá hiệu quả và độ an toàn của kỹ thuật EUS-FNB trên các bệnh nhân u tụy. 2. Khảo sát một số yếu tố liên quan giữa thủ thuật EUS-FNB và kết quả mô bệnh học. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu cắt ngang mô tả trên bệnh nhân có khối u tụy hoặc nghi ngờ u tụy được làm EUS-FNB tại khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy từ 01/01/2021 đến 15/10/2021. Kết quả Có 97 bệnh nhân u tụy được làm EUS-FNB, không có biến chứng đáng kể. 80,4% bệnh nhân mô bệnh học chẩn đoán được bản chất khối u, 19,6% không có tề bào u trong mẫu bệnh phẩm. FNB với kim 19G cho kết quả mô bệnh học cao hơn so với kim 22G (p <
0,01). Có sự khác biệt có ý nghĩa về kết quả mô bệnh học giữa các đoạn chiều dài mẫu mô thu được <
4 mm, 4 - 7 mm và ≥ 8 mm. Kết luận EUS-FNB là thủ thuật hiệu quả và tương đối an toàn trong chẩn đoán ung thư tụy. Có sự liên quan có ý nghĩa giữa kích thước kim làm FNB, chiều dài mẫu mô thu được với kết quả mô bệnh học.