Giống Khang Dân 18 là một trong những giống lúa được trồng phổ biến ở Việt Nam, nơi đang bị đe dọa bởi sự xâm nhập mặn. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm thiết lập điều kiện nuôi cấy callus và đánh giá khả năng chịu stress mặn in vitro ở giống lúa Khang Dân 18. Đầu tiên, các điều kiện khác nhau bao gồm hàm lượng chất điều hòa sinh trưởng (chất ĐHST) bổ sung, thời gian nuôi cấy và điều kiện chiếu sáng được khảo sát nhằm tạo và nuôi cấy được callus in vitro phù hợp. Môi trường thích hợp tạo để callus là môi trường ¼-MS bổ sung 10 - 40 µM 2,4-Dichlorophenoxyacetic acid (2,4-D). Khảo sát các khoảng thời gian nuôi cấy callus 1 tuần, 2 tuần và 4 tuần cho thấy khoảng thời gian nuôi cấy ảnh hưởng rõ rệt đến hình thái và chất lượng callus. Callus được tạo ra từ hạt sau 1 tuần nuôi cấy có tính chất và hình thái thích hợp để nghiên cứu tính chống chịu stress mặn hơn callus sau 1 tháng. Điều kiện chiếu sáng 10 h/ngày và điều kiện tối hoàn toàn là điều kiện thích hợp để tạo callus. Môi trường bổ sung 10 µM 2,4-D cho chất lượng callus tốt hơn các môi trường bổ sung cả 1-Naphthylacetic acid (NAA) và 2,4-D. Tỉ lệ tạo rễ và chồi của callus ở ba điều kiện chiếu sáng 10 h/ngày, 24 h/ngày và tối hoàn toàn có sự sai khác có ý nghĩa thống kê. Điều kiện nuôi cấy callus in vitro được sử dụng cho nghiên cứu về khả năng chịu mặn của callus. Sự sinh trưởng của callus suy giảm đáng kể khi nồng độ NaCl tăng lên 3 - 6‰ (P = 0,05), đặc biệt điều kiện 9‰ NaCl gây suy giảm mạnh về khối lượng và thay đổi rõ nét về mặt hình thái callus. Điều kiện nuôi cấy tối ưu ở nghiên cứu này có thể được áp dụng cho các nghiên cứu in vitro về stress và khả năng chịu mặn của giống lúa Khang Dân 18 và các giống lúa tương tự.