Trong quá trình chuyển đổi sang thời kỳ mãn kinh lượng hormone có nhiều biến động khiến phụ nữ mãn kinh dễ mắc các rối loạn về tinh thần và thể chất, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Các nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến mãn kinh, đặc biệt là ở phụ nữ nông thôn, cũng thiếu. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ mãn kinh. Phương pháp: Một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 296 phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi 45- 60 ở 2 xã Tân Phong, Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Dữ liệu được thu thập với 2 bộ công cụ nghiên cứu: Thang đo đánh giá mức độ triệu chứng mãn kinh (MRS) và bảng câu hỏi chất lượng cuộc sống của tổ chức y tế thế giới (WHOQOL-BREF). Xác định một số yếu tố liên quan đến CLCS gồm: Nhân khẩu học, mức độ các triệu chứng mãn kinh. Kết quả: Nhóm đối tượng có trình độ học vấn dưới tiểu học có chất lượng cuộc sống thấp hơn 0,3 lần so với nhóm có trình độ TH-CĐ-ĐH. Nhóm phụ nữ làm ruộng có chất lượng cuộc sống thấp hơn 0,24 lần so với nhóm cán bộ viên chức. Tỷ lệphụ nữ mãn kinh cho rằng mức thu nhập là không đủ có CLCS thấp hơn 23,2 lần so với nhóm phụ nữ mãn kinh cho rằng mức thu nhập là đủ trở lên. Phụ nữ mãn kinh không tham gia thể dục thể thao, không khám sức khỏe định kỳ, không tham gia hoạt động xã hội và không đến cơ sở y tế khám bệnh có CLCS thấp hơn 3,2- 13,2 lần so với nhóm có tham gia thể dục thể thao, có khám sức khỏe định kỳ, có tham gia hoạt động xã hội và có đến cơ sở y tế khám bệnh.Tỷ lệ phụ nữ mãn kinh có các triệu chứng mãn kinh từ mức độ nhẹ cho đến vô cùng nghiêm trọng có CLCS thấp hơn 0,2-0,5 lần so với nhóm không có triệu chứng mãn kinh. Kết luận: Nghiên cứu chỉ ra có mối liên quan giữa trình độ học vấn, nghề nghiệp, mức thu nhập, thói quen sinh hoạt, mức độ triệu chứng mãn kinh với chất lượng cuộc sống ở phụ nữ mãn kinh.