Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa tỉnh Cà mau. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ khảo sát 383 đối tượng, bao gồm: nông hộ, thu gom, vựa, thương lái, cơ sở chế biến, công ty thương mại, thương lái đường dài, bán sỉ/bán lẻ, người tiêu dùng và các nhà hỗ trợ, ... Nghiên cứu dựa vào cách tiếp cận chuỗi giá trị của Kaplinsky và Morris (2001), vận dụng lý thuyết "Liên kết chuỗi giá trị - ValueLinks" của GTZ (2007). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, chuỗi giá trị sản phẩm chuối nội địa ở Cà Mau được vận hành chủ yếu qua 10 kênh phân phối nội địa chính. Theo kết quả phân tích, sự phân phối giá trị gia tăng và giá trị gia tăng thuần của cả 10 kênh phân phối mất cân đối, và phân phối không đồng đều. Các tác nhân cơ sở chế biến, công ty thương mại và bán sỉ/bán lẻ là nhóm thu được lợi nhuận cao trong chuỗi phân phối sản phẩm chuối trong khi đó nông hộ và thương lái là nhóm trực tiếp canh tác nhưng chiếm phần nhỏ giá trị gia tăng trong chuỗi. Cuối cùng, một số đề xuất chiến lược dựa vào mục tiêu và mối quan hệ giữa các đối tượng thực hiện, hỗ trợ và thụ hưởng được đưa ra.