Nghiên cứu này nhằm xác định các đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm, thay đổi oxy máu và kết quả điều trị bệnh nhân ARDS được hỗ trợ hô hấp với NCPAP, thở máy bảo vệ phổi và thở máy bảo vệ phổi kết hợp tư thế nằm sấp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Một nghiên cứu cắt ngang mô tả tiến cứu được thực hiện tại Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh nhân ARDS được chẩn đoán theo tiêu chí Berlin 2012 và PALICC 2015 đã được ghi danh vào nghiên cứu này từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 5 năm 2022. Kết quả: Có 63 bệnh nhân ARDS, gồm 20 bệnh nhân ARDS nhẹ (31.7%), 24 bệnh nhân ARDS trung bình (38.1%) và 19 bệnh nhân ARDS nặng (30.2%). Tử vong chung là 19%
đáng chú ý, tử vong ở nhóm ARDS nặng là 52.6%. Trong 19 bệnh nhân thở máy nằm sấp, có8 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 42.1%. Tại thời điểm 6 giờ sau hỗ trợ hô hấp ở hai nhóm thở NCPAP và thở máy, các chỉ số oxy máu gồm SpO2, PaO2, PaO2/FiO2 cải thiện rõ rệt so với thời điểm chẩn đoán đầu tiên (p <
0.05). Các chỉ số OI, PaO2/FiO2 và cơ học hô hấp tại thời điểm 16 giờ sau khi thực hiện thở máy nằm sấp đều cải thiện đáng kể so với nằm ngửa (p <
0.05). Kết luận: Hỗ trợ hô hấp với NCPAP, thở máy bảo vệ phổi và thở máy tư thế nằm sấp giúp cải thiện oxy máu và cơ học hô hấp bệnh nhân ARDS.